TÀN PHAI NHAN SẮC DO MỸ PHẨM CHƯA CORTICOID
Da mặt hơi nám, mụn nên chị Lan ra tiệm mỹ phẩm mua lọ thuốc giá 300.000 đồng có nhãn hiệu, xuất xứ rõ ràng.
Những ngày đầu bôi thuốc thấy da cải thiện khá tốt, người phụ nữ sinh năm 1985 tiếp tục dùng. Khoảng 3 tháng sau, da chị bắt đầu mẩn ngứa, mụn nổi đỏ khắp mặt. Càng ngưng thuốc gương mặt càng sần sùi, khô rát hơn nên chị lo lắng đi khám da liễu. Kết quả soi da, kiểm tra cho thấy da chị bị viêm do corticoid. Sau hơn một tháng điều trị, da mặt của chị mới hồi phục bình thường. "Lúc mua mỹ phẩm tôi xem kỹ nhãn mác, thành phần thấy không có ghi chứa corticoid nhưng không hiểu sao lại viêm da", chị Lan chia sẻ.
Vẫn còn kinh hãi mỗi khi nhắc đến hai từ "mỹ phẩm", chàng sinh viên 19 tuổi Tuấn Anh mất gần một năm để điều trị khôi phục gương mặt tan nát. Trước đó da bị mụn nên Tuấn Anh mua thuốc trị mụn về bôi. Sau một thời gian, da chàng trai bắt đầu sần sùi, mụn mủ chi chít kín mặt.
"Về quê mọi người đồn em lên thành phố học chắc bị HIV/AIDS nên da dẻ mới sùi. Em ước mơ được làm vũ công nhưng phải bỏ dở do gương mặt quá kinh khủng", Tuấn Anh nhớ lại thời gian bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng vì mụn.
Tuấn Anh mất gần một năm điều trị tình trạng viêm da do corticoid. Hiện da dần cải thiện, chàng trai tiếp tục các phương pháp trị liệu để trở lại cuộc sống và nuôi ý định tiếp tục theo đuổi hoài bão đứng trên sân khấu nhảy
Tác dụng có thể khác nhau tùy thuộc cơ địa người dùng
Mới đây, người phụ nữ sinh năm 1986 Thạch Thị Tha Ri (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cũng từ cô gái 29 tuổi hóa bà lão 70 do hậu quả của việc lạm dụng thuốc bôi chứa corticoid. Khi mang thai ở tháng thứ 5, da mẩn đỏ, ngứa, chị mua thuốc có chứa corticoid về bôi. Ban đầu hết ngứa, da hồi phục nhanh nên chị tiếp tục mua về sử dụng liên tục 3 tháng song khuôn mặt ngày càng biến dạng, da nhăn nheo khiến chị già nua trông như một bà lão 70 tuổi. Mất nhiều tháng điều trị, gương mặt của Tha Ri mới dần trở lại diện mạo ban đầu.
Hàng chục năm nghiên cứu và điều trị về tác hại của mỹ phẩm chứa corticoid với da, bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP HCM cho biết mỹ phẩm chứa corticoid gây hại da đang lan tràn trên thị trường làm đẹp gây biến chứng cho người tiêu dùng rất nhiều.
Theo bác sĩ Cẩm Anh, mỹ phẩm chứa corticoid khi dùng cho kết quả da rất đẹp, mịn màng, trắng nhanh, mụn và nám đều hết. Tuy nhiên sau một thời gian, da sẽ nổi mẩn đỏ li ti, ngứa rát đỏ, mụn viêm mủ lan tràn và những mạch máu giãn nở to gây đỏ da triền miên. Đó là những dấu hiệu của corticoid đang tấn công và da lệ thuộc corticoid
Corticoid là độc dược nằm ở bảng B của Bộ Y tế này được xem là con dao hai lưỡi, cần phải có chỉ định sử dụng của bác sĩ qua toa thuốc. Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh hiệu quả nhanh nhưng chỉ điều trị triệu chứng, không điều trị nguyên nhân viêm dễ gây lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi. Do vậy khi dừng thuốc thì vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước nhiều. Các biến chứng thường gặp là viêm da, nhiễm trùng thứ phát lan rộng, nám lan rộng và sâu khó chữa, teo da, lão hóa da nặng nề khó hồi phục, giãn mạch gây đỏ da. Biến chứng thường gặp nhất và nặng nề nhất là viêm da kích thích hay kích ứng.
Theo bác sĩ Cẩm Anh, điều trị da do ảnh hưởng corticoid với viêm da kích ứng thường rất khó khăn trong thời gian đầu, kết quả trồi sụt khiến cho người bệnh dễ nản lòng. Việc điều trị thường kéo dài 1-3 tháng tùy trường hợp, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, bác sĩ cần theo dõi quan tâm động viên và khích lệ bệnh nhân khỏi bỏ cuộc.
Nguyên tắc điều trị là ngưng dùng sản phẩm chứa corticoid dù biết rằng khi ngưng da sẽ diễn biến phức tạp và rất xấu do hiệu ứng phản hồi. Hiệu ứng phản hồi corticoid nặng hay nhẹ tùy thuộc vào loại corticoid, thời gian và nồng độ sử dụng. Bác sĩ da liễu sẽ cho bệnh nhân dùng thành phần hoạt tính làm dịu viêm làm lành da không phải là corticoid, giúp hồi phục sức chống đỡ của da. Điều trị tăng cường với biện pháp vật lý kỹ thuật cao trị liệu để rút ngắn thời gian điều trị.
Biện pháp chăm sóc da khi bị ảnh hưởng corticoid
- Tránh chà xát trên da.
- Tránh nhiệt tiếp xúc da, tránh nắng nóng, kể cả thức ăn cay nóng dễ gây dãn mạch xung huyết tăng thêm.
- Tránh tiếp xúc hóa chất, mùi hóa chất (hóa chất bay hơi dạng khí) ô nhiễm không khí, mùi thơm nhân tạo.
- Tránh dùng bất kỳ mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc da nào khác, không trang điểm trong giai đoạn này.
- Tránh uống rượu bia, hải sản.
- Tránh đắp mặt nạ trái cây các loại tự làm.
- Tránh sờ nặn trên da vùng viêm.
- Tránh khói thuốc và màn hình vi tính.
Nguồn: VnExpress